21/02/2019
Ngày 15/02/2019, tại Hội trường A cơ sở 1, trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP. HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ I, năm học 2018-2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ học kỳ II năm 2018-2019.
Tham dự hội nghị có TS. Hồ Ngọc – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường, Ban giám hiệu, cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường.
Quang cảnh Hội nghị
Thay mặt Ban giám hiệu TS. Hồ Ngọc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã trình bày báo cáo sơ kết học kỳ I và phương hướng, nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2018-2019.
TS. Hồ Ngọc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường trình bày báo cáo
Trong học kỳ I năm học 2018-2019, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex- TP. Hồ Chí Minh đã tích cực đẩy mạnh tạo sự chuyển biến về mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhà trường đã thực hiện tốt công tác tuyển sinh được 1.554/1.550 chỉ tiêu, đạt 100,26%, tăng 10,36% so với cùng kỳ; 2591/2200 chỉ tiêu ngắn hạn, vượt 17,77%; chất lượng đào tạo được nâng cao, tỷ lệ HSSV đạt kết quả học tập khá, giỏi đạt tỷ lệ 76,24%; tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp là 94%, trong đó tỷ lệ làm đúng chuyên ngành đào tạo là 86,2%; công tác đào tạo bồi dưỡng tiếp tục được đẩy mạnh, đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ QLGDNN cho 36 cán bộ đương nhiệm và quy hoạch; đang có 06 người làm nghiên cứu sinh, 03 người học cao học, tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học là 78,8%… đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy, hầu hết các chương trình dạy học của nhà trường luôn được cập nhật, gắn liền với thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội; hoàn thiện hồ sơ kiểm định chất lượng giáo dục theo chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội; hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, quan hệ doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Nghiệm thu 01 đề án “Thiết kế, thi công kit thí nghiệm IoT”, đăng ký mới 12 sáng kiến; xuất bản Tập san số 09 (Kỷ yếu 40 năm thành lập trường với 19 bài viết), tổ chức hội thảo: “VETC – 40 năm, truyền thống và những giá trị cốt lõi”, với 10 bài tham luận; đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 21 doanh nghiệp về tổ chức thực hành, thực tập doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đã ký kết hợp tác lên 74 doanh nghiệp; ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đào tạo với Trường SAA Global Education, Singapore và trường Khoa học Kỹ thuật Song Hỉ, Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc; triển khai hợp tác với trường Đại học Silla đào tạo 01 lớp Tiếng Việt 03 tháng cho 15 sinh viên Hàn Quốc…
Trong học kỳ I, năm học 2018-2019, đã hoàn thành việc thành lập Hội đồng trường, Ban chỉ huy quân sự trường; xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; sáp nhập 04 phòng chức năng thành 02 phòng và 01 cơ sở vào trung tâm; rà soát, điều chỉnh, bổ sung 06 quy định quy chế, quy định; công tác đầu tư cơ sở vật chất được đẩy mạnh với tổng kinh phí sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng là 4,29 tỷ đồng, kinh phí đầu tư trang thiết bị mới phục vụ hoạt động đào tạo là 2,68 tỷ đồng; hoạt động sản xuất – thực tập đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt doanh thu, lương bình quân của CBVC, người lao động trung tâm 7,5 triệu đồng/người/tháng…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, báo cáo cũng nêu ra một số nhiệm vụ cần phải tích cực đẩy mạnh trong học kỳ II năm học 2018-2019, đó là: Công tác, nghiên cứu khoa học, hoạt động của Trung tâm Sản xuất – Thực tập, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong HSSV….
Phát biểu đóng góp Báo cáo sơ kết học kỳ I và phương hướng, nhiệm vụ học kỳ II năm học 2018-2019, có nhiều ý kiến tham gia tiếp tục nhấn mạnh, làm rõ hơn trong các nội dung báo cáo, đặc biệt là những nhiệm vụ, giải pháp cho học kỳ II năm học 2018-2019, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh hoạt động sản xuất thực tập, quan hệ doanh nghiệp và xây dựng cơ chế tài chính… điển hình như ý kiến của TS. Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng nhà trường. Theo TS. Phan Thị Hải Vân để nâng cao hơn nữa hoạt động tuyển sinh, bên cạnh các biện pháp, giải pháp nhà trường đang tiến hành thì mỗi đơn vị, mỗi CBVC, người lao động của nhà trường cần phải chủ động, tích cực coi đó là nhiệm vụ chung mà mỗi cá nhân cần thực hiện chứ không phải là nhiệm vụ cụ thể của Phòng Đào tạo, đồng thời các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tuyển sinh thông qua trang fanpage, kênh giới thiệu việc làm…; xây dựng quy chế đánh giá thực chất, chất lượng của giảng viên để có kế hoạch, đào tạo bồi dưỡng, phân phối thu nhập phù hợp; đẩy mạnh các hoạt động thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tổ chức tốt kế hoạch thực tập sản xuất của HSSV tại trung tâm, CBVC, người lao động nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ tốt nhất trong quá trình thực tập, thực hành của HSSV tại trung tâm…
TS. Phan Thị Hải Vân, Phó Hiệu trưởng đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Ths. Nguyễn Ngọc Hiển, Phó Hiệu trưởng nhà trường nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách của nhà nước ảnh hưởng đến quá trình khai thác cơ sở vật chất tại trung tâm Sản xuất – Thực tập, qua đó đề nghị CBVC, người lao động nghiên cứu, các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tốt nhất tiềm lực hiện có tại trung tâm, đồng thời lưu ý CBVC, người lao động phải thật sự chủ động thay đổi, đặc biệt thay đổi về tư duy nhằm xây dựng cơ chế tự chủ tài chính nhà trường đạt hiệu quả…
Ths. Nguyễn Ngọc Hiển, Phó Hiệu trưởng đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Cũng theo Ths. Phạm Ngọc Hải, trưởng phòng Đào tạo, để tăng cường hiệu quả công tác tuyển sinh của nhà trường thì việc cải tiến nội dung chương trình, giáo trình học tập là yếu tố quan trọng, do vậy các khoa cần tích cực chủ động thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, nâng cấp đề cương bài giảng, giáo trình… phục vụ tốt nhất việc giảng dạy đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội…
Ths. Phạm Ngọc Hải trưởng phòng Đào tạo phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Thay mặt Ban giám hiệu nhà trường, TS. Hồ Ngọc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của nhà trường trong học kỳ I, đồng thời nhấn mạnh, những nhiệm vụ trọng tâm trong học kỳ II năm học 2018-2019, đáng lưu ý ở một số mặt như sau:
1. Công tác tuyển sinh, đào tạo
Tổ chức tốt các hoạt động tuyển sinh, phấn đấu đạt chỉ tiêu hệ chính quy 1.650 HSSV, chỉ tiêu ngắn hạn 2.420 học viên, chú trọng đảm bảo đạt đủ chỉ tiêu HSSV tại trường; giữ vững chỉ tiêu chất lượng đào tạo về kết quả học tập đạt loại khá + giỏi trên 70%; kết quả rèn luyện đạt loại khá trở lên chiếm tỷ lệ trên 85%; kết quả tốt nghiệp đạt 95%, với tỷ lệ khá trên 70%…; điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình đào tạo gắn với thực tế sản xuất, tăng thực tập, thực hành doanh nghiệp; tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo kép; duy trì đảm bảo chất lượng đào tạo cho HSSV sau khi tốt nghiệp… nghiên cứu mở thêm các ngành nghề mới; triển khai thực hiện nội dung chương trình đào tạo đã bổ sung, chỉnh sửa; xây dựng các biện pháp đánh giá thực chất chất lượng giảng dạy của giảng viên…
2. Nghiên cứu khoa học, quan hệ doanh nghiệp và hợp tác quốc tế
Nghiệm thu 07 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã đăng ký; phấn đấu có 01-02 đề án nghiên cứu khoa học mới được triển khai; có bài đăng tạp chí khoa học trong nước; hoàn thiện xuất bản ít nhất 03 giáo trình đáp ứng nhu cầu đổi mới, cập nhật thực tiễn sản xuất; hoàn thiện 10 giáo trình, 10 đề cương bài giảng; xuất bản 01 tập san; tiếp tục đẩy mạnh liên hệ, tìm kiếm cơ sở hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài…; Đẩy mạnh hoạt động doah nghiệp, đảm bảo tất cả các ngành đào tạo đều ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tổ chức, đào tạo các học phần thực hành, thực tập doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho HSSV; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế.
3. Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, chính sách
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động CBVC thực hiện tốt các quy chế, quy định hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tăng cường bồi dưỡng cán bộ, viên chức, giảng viên toàn diện nhiều mặt (kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, tay nghề, thái độ phục vụ…) đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước…; tiếp tục cử giảng viên đi thực tế doanh nghiệp theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao tay nghề của giảng viên, tiếp cận sâu với thực tế sản xuất; giữ ổn định lương bình quân của CBVC, người lao động 12,8 triệu đồng/người/tháng…
4. Cơ sở vật chất, tài chính
Thực hiện nghiêm túc các biện pháp thực hành tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, lãng phí; giữ gìn, sử dụng hiệu quả trang thiết bị phục vụ giảng dạy, làm việc. Tiếp tục mua sắm, bổ sung trang bị tòa nhà 10 tầng phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập; xây dựng lộ trình tự chủ tài chính…; xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, thân thiện, cởi mở, tất cả vì người học; mỗi CBVC, người lao động, phòng, khoa…, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo những điều kiện tốt nhất để phục vụ việc học tập, nghiên cứu, thực hành, thực tập cho HSSV…
5. Hoạt động Sản xuất – Thực tập
Nâng cao hoạt động của Trung tâm Sản xuất – Thực tập, khai thác tối đa công năng, nhằm tăng doanh thu, tăng hiệu quả; phấn đấu đạt doanh thu 17 tỷ đồng; nâng thu nhập bình quân của Trung tâm lên 7,7 triệu đồng/người/tháng…
Để ghi nhận, đánh giá những thành tích của Tập thể và cá nhân của trường trong thời gian qua, nhà trường đã khen thưởng đối với 02 tập thể và 02 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyển sinh học kỳ I năm học 2018-2019, gồm: Khoa Công nghệ Dệt may, Khoa thiết kế thời trang, 02 cá nhân là Bà Lê Thị Thu Nguyệt, trưởng khoa Công nghệ Dệt may và ông Nguyễn Thế Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo…
Tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác tuyển sinh học kỳ I, năm học 2018-2019
* Một số hình ảnh hội nghị
Ông Nguyễn Xuân Thành, Bí thư đoàn thanh niên đóng góp ý kiến tại Hội Nghị
Ông Nguyễn Đức Lịch, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất – Thực tập đóng góp ý kiến tại Hội nghị